Sau này, loài vật quý hiếm này còn được tìm thấy trong phạm vi dãy Trường Sơn ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam. Khi đó, sao la được xem là loài đặc hữu của Việt Nam, cho đến năm 1996. Người ta phát hiện và chụp ảnh một con sao la còn sống, nhưng con này đã chết sau đó ít lâu.
Sao la hay còn được ví như kỳ lân châu Á, được nhận biết dễ nhất với đặc điểm hai sừng song song với các đầu nhọn, dài khoảng 50cm ở cả con đực và con cái. Sao la có những mảng màu trắng nổi bật, dễ nhận thấy ở trên mặt, gần vùng miệng. Con vật này thường sống chủ yếu tại các khu rừng rậm dọc dãy núi Trường Sơn, nơi có độ cao trên 200-600m so với mực nước biển. Vào mùa đông, chúng thường sẽ di cư xuống những vùng thấp hơn.
Đây cũng là một trong những loài động vật có vú lớn đặc biệt và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Về số lượng còn sống của loài này cũng không được xác định rõ. Theo kế hoạch bảo tồn sao la được công bố vào năm 2012, người ta cho rằng ít hơn 50 cá thể loài này đang sống ngoài tự nhiên.
Sao la được xếp hạng ở mức cực kỳ nguy cấp với nguy cơ tuyệt chủng vô cùng cao, nằm trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và Sách Đỏ Việt Nam. Việc bắt gặp sinh vật này ngoài tự nhiên vẫn rất khó, hầu hết các hình ảnh về loài này đều được chụp bởi các thiết bị bẫy ảnh thiết lập trong rừng.
Cũng như các loài động vật khác ngoài tự nhiên, sao la cũng đang phải đối mặt với những mối đe doạ lớn. Chúng thường bị mắc vào bẫy dây của những kẻ săn trộm, sau đó thì bị đem bán cho các nhà hàng, doanh nghiệp địa phương. Một mối đe doạ khác là nạn phá rừng, khai thác gỗ đã thu hẹp môi trường sinh sống của loài này. Bên cạnh đó, do quy mô quần thể tương đối nhỏ, chúng phải giao phối cận huyết để tiếp tục sinh tồn. Con đực và con cái rất khó khăn trong việc tìm thấy nhau để giao phối, sinh sản.